“Năm 2021, thị trường bất động sản hứa hẹn cơ hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự linh hoạt của các doanh nghiệp…, đặc biệt là yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế.”
Năm 2020, hai đợt dịch COVID-19 bùng phát tại nước ta đã làm nền kinh tế chịu nhiều tác động nghiêm trọng, thị trường bất động sản trong nước cũng không là ngoại lệ. Theo thống kê của Savills, bắt đầu từ tháng 3 cho tới thời điểm cuối năm 2020, phân khúc bất động sản bán lẻ và nghỉ dưỡng, khách sạn chứng kiến thiệt hại nặng nề nhất, trong khi bất động sản văn phòng, đất nền, chung cư chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.
“Giá khách sạn giảm xuống thấp hơn 40-50% so với trước COVID-19, tỉ lệ lấp đầy của khách sạn cũng chỉ đạt 30-40%. Tuy nhiên, giá văn phòng hầu như không hề thay đổi tại phân khúc hạng B và hạng A, Savills ghi nhận.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, nhưng với những nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, năm 2020 kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Ở giai đoạn 6 tháng cuối năm, thị trường vẫn có nhiều điểm sáng. Cụ thể, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), nhiều dự án vẫn về đích đúng hạn, nguồn cung mới vẫn đạt gần 60.000 sản phẩm (tương đương khoảng 87% so với năm 2019). Lực cầu tuy giảm nhưng lại thu hút nhà đầu tư ngoài ngành hướng vào, làm tăng khoảng 30% lực cầu đầu tư mới cho thị trường bất động sản (Theo Cafef, 2021)
Dự báo về thị trường BĐS năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARs cho biết, nền kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư tăng trở lại. Dự báo sức cầu hồi phục thị trường BĐS tương đương 70% của năm 2019. Thị trường bất động sản 2021 cũng có nhiều “điểm sáng” nhờ Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đó là: Nghị định số 25 quy định giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường; Nghị định số 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền; Thông tư 21 của Bộ Xây dựng quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2 bắt đầu có hiệu lực; Nghị quyết 164 tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản. Đặc biệt là nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, “thổi làn gió mới” vào thị trường bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, tín hiệu của thị trường bất động sản năm 2021 còn cần phải nhắc đến câu chuyện vĩ mô với lãi suất ngân hàng. Ông Hiếu cho rằng nếu lãi suất được duy trì ở mức độ thấp như hiện nay thì động lực vay tiền sẽ mạnh mẽ hơn, từ đó hỗ trợ cho bất động sản, các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.
Với những yếu tố tích cực hỗ trợ như trên, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có sức bật lớn trong năm 2021. Đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp, với làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI tới Việt Nam. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trở lại. Trong đó, bất động sản công nghiệp được hưởng lợi đầu tiên. Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay, đang có một làn sóng bất động sản lan tỏa về tỉnh lẻ. Đây là lợi thế của người đi sau.
Ngoài ra, sự bứt phá của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2021 cũng là triển vọng được nhiều chuyên gia dự đoán. TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Có 3 lực đẩy cho sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng. Một là, các bộ ngành và chính quyền địa phương đang thay đổi, điều tiết để cung cầu hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn. Hai là, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đóng góp khoảng 9,2% GDP và có thể lên đến 12 – 14% GDP vào 2025 như chiến lược phát triển du lịch mà Thủ tướng đã ban hành hồi đầu năm. Ba là, trong và sau dịch bệnh, xu hướng second-home ngày càng trở nên phổ biến hơn” (Theo Vietnambiz, 2021).